CCI - Banner A1 - 2023/24 Advertisement A1: VCOSA Timeline A1: ECV 2025

CHỦ TỊCH VCOSA THAM DỰ DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM – BRAZIL 2025: THÚC ĐẨY HỢP TÁC BỀN VỮNG TRONG LĨNH VỰC BÔNG SỢI

Ngày 29/3/2025, tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Brazil đã được tổ chức trọng thể nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tới Việt Nam. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đại sứ quán Brazil tại Hà Nội chủ trì, với sự hiện diện và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh ChínhTổng thống Lula da Silva, cùng lãnh đạo các bộ ngành, tổ chức xúc tiến thương mại và hơn 300 doanh nghiệp hai nước.

Tham dự với vai trò diễn giả tại Phiên 2: Hợp tác trong Lĩnh vực Nông nghiệp, ông Nguyễn An Toàn – Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) – đã có bài trình bày mang tính tổng quan và chiến lược, nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Brazil trong chuỗi cung ứng bông nguyên liệu phục vụ ngành kéo sợi tại Việt Nam.

Theo ông Toàn, Việt Nam không sản xuất bông nguyên liệu và hiện gần như toàn bộ nhu cầu bông phục vụ sản xuất đều phải nhập khẩu từ các thị trường quốc tế. Trong năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,5 triệu tấn bông, trong đó Brazil chiếm hơn 33,6% với hơn 504 nghìn tấn, chính thức vượt Mỹ và Úc để trở thành thị trường cung cấp lớn nhất. Bông Brazil được các doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng nhờ chất lượng đồng đều, giá cả cạnh tranh và nguồn cung ổn định.

Tuy nhiên, ông Toàn cũng thẳng thắn chỉ ra một số thách thức còn tồn tại. Cụ thể, một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng bông từ vùng Mato Grosso có độ đường cao, ảnh hưởng đến hiệu suất sản xuất. Ngoài ra, các quy định về nhãn dán hàng hóa, việc chưa công nhận chứng thư điện tử, cũng như mức thuế nhập khẩu cao đối với một số loại bông tái chế như bông rơi chải thô – vốn là nguyên liệu chính trong sản xuất sợi OE – đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp kéo sợi nội địa.

Từ góc độ thực tiễn, ông Toàn đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn giữa hai bên:

  • Thứ nhất, cần tăng cường minh bạch truy xuất nguồn gốc với hệ thống dữ liệu tối ưu, dễ tiếp cận hơn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
  • Thứ hai, Brazil nên tiếp tục phối hợp với các đối tác logistics tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc đáp ứng yêu cầu dán nhãn hàng hóa theo quy định mới.
  • Thứ ba, các nhà xuất khẩu bông Brazil có thể cân nhắc cung cấp các giải pháp linh hoạt hơn về thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển, nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Bên cạnh việc phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn An Toàn cũng giới thiệu các hoạt động hợp tác nổi bật giữa hai ngành bông sợi. Trong những năm qua, VCOSA đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Người trồng Bông Brazil (ABRAPA), Hiệp hội Xuất khẩu Bông Brazil (ANEA) và Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Brazil (ApexBrasil) để tổ chức Hội thảo Brazil Cotton Outlook định kỳ hai năm một lần, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sợi Việt Nam cập nhật thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác và thúc đẩy hợp tác song phương.

Khép lại bài phát biểu, Chủ tịch VCOSA khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam và Brazil, hướng đến mục tiêu xây dựng một chuỗi cung ứng bông – xơ – sợi minh bạch, hiệu quả và bền vững.

VCOSA – Ảnh: TTXVN

Tag:

# #
ICA logoA4: ECV 2025