Texfuture 2023 CCI - 2023

Tại sao doanh nghiệp (cả FDI và Việt Nam) chưa đầu tư mạnh vào dệt nhuộm?

(1) Vốn đầu tư nhà máy dệt nhuộm rất lớn: Cụ thể, tại Việt Nam, nếu đầu tư một vị trí làm của công nhân may thì doanh nghiệp chỉ cần 3.000 USD (nhân công và công nghệ), nhưng nếu đầu tư vị trí công nhân sợi hoặc dệt thì phải mất 200.000USD. Đầu tư ngành dệt, nhuộm, Việt Nam cần 15 tỷ USD (tương đương 7.5% GDP 2016), theo đó, trung bình mỗi dự án đầu tư dệt nhuộm cần đầu tư vốn tương đối lớn (khoảng 2 – 5 triệu USD) do đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn rất tốn kém và thời gian thu hồi vốn lâu. Như vậy, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đầu tư vào dệt, nhuộm là tương đối khó khăn.

(2) Yêu cầu về xử lý chất thải: Các nhà máy in, nhuộm hoàn tất luôn gặp phải các vấn đề môi trường vì sử dụng nhiều hóa chất mà hóa chất thải ra cần phải có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Hiện nay cả nước chỉ có một số tỉnh đồng ý cho xây dựng nhà máy in, nhuộm hoàn tất với điều kiện có hệ thống xử lý nước thải tốt như Nam Định, Long An, Quảng Ninh, trong khi các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình đều nói không với kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm. Đây chính là thách thức đối với các doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào ngành này. Hệ quả là hiện nay chênh lệch về số doanh nghiệp dệt và nhuộm so với doanh nghiệp may rất lớn (số lượng doanh nghiệp dệt nhuộm trong nước chỉ chiếm 30% toàn ngành).

(3) Thiếu cụm công nghiệp dệt may để giảm thiểu chi phí sản xuất: Việc không có các cụm công nghiệp dệt may nên thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp ở các khâu khác nhau. Thực trạng hiện nay, chi phí vận chuyển sợi trong nước còn cao hơn so với chi phí vận chuyển sợi sang nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp sợi thì xuất khẩu sợi sang nước ngoài còn các doanh nghiệp dệt nhuộm lại phải nhập khẩu sợi. Nhìn chung, không chỉ ngành sợi thiếu nguyên vật liệu đầu vào mà ngành dệt nhuộm cũng thiếu nguyên vật liệu đầu vào.

(4) Thiếu nhân lực chất lượng cao lĩnh vực dệt nhuộm: Hàng năm khoa kĩ sư nhuộm của Đại học Bách Khoa đào tạo được khoảng 50 kĩ sư. Nguồn nhân lực này quá thiếu so với yêu cầu của ngành. Bởi đặc thù của ngành nhuộm là vất vả, tiếp xúc với hoá chất, nước nhuộm nóng, đồng thời mức lương không tương xứng và cơ hội việc làm không phong phú khiến sinh viên ít lựa chọn nếu không phải đam mê.

Nguồn : VCOSA

Tag:

A4: 420x150 AdsA4: 420x150 Ads