Chiều 25/9, trong khuôn khổ VTG2024, VCOSA chủ trì tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề “Ngành Dệt may Việt Nam: bền vững, đổi mới và cạnh tranh toàn cầu”. Hội thảo vinh dự chào đón sự tham gia và ủng hộ nhiệt thành từ nhiều doanh nghiệp, đối tác thân thiết và khách tham quan VTG 2024 từ khắp toàn cầu, cùng các diễn giả là chuyên gia đầu ngành với nhiều chủ đề chia sẻ vô cùng đặc biệt.
Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 29,3 tỷ USD, tăng 7,16% so với cùng kỳ năm trước, với Mỹ là thị trường lớn nhất (8,93 tỷ USD). Nhu cầu đặt hàng phục hồi mạnh mẽ, nhưng ngành vẫn đối mặt với thách thức từ chi phí sản xuất cao và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp đã linh hoạt chiến lược kinh doanh để duy trì sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng.
Ngoài ra, tiềm năng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam và lãi suất giảm mở ra cơ hội tăng trưởng mới. Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, thuận lợi cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng đang chuyển sang sản xuất xanh và áp dụng tiêu chuẩn bền vững. Với tín hiệu tích cực, mục tiêu đạt 44 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2024 hoàn toàn khả thi, và các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng sản phẩm để duy trì cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trên đây là nội dung phần chia sẻ của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) với chủ đề “Thách thức và cơ hội hiện tại đối với ngành Dệt May Việt Nam và Kế hoạch tiếp theo”, do Bà Dương Thùy Linh – Phó Tổng Thư ký phụ trách Đối ngoại VCOSA đại diện trình bày.
Bà Dương Thùy Linh trình bày tại Hội thảo chuyên đề “Ngành Dệt may Việt Nam: bền vững, đổi mới và cạnh tranh toàn cầu”
Tại phần tham luận này, bà Linh đã trả lời khách mời một số vấn đề được quan tâm. Cụ thể như sau:
Hỏi: Chi phí lao động gia tăng tại Việt Nam ảnh hưởng như thế nào đến khả năng cạnh tranh của ngành dệt may của đất nước?
VCOSA: Bà Dương Thùy Linh chia sẻ, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức lương tháng bình quân của lao động trong ngành dệt may Việt Nam vào khoảng 300USD, hiện cao hơn mức trung bình toàn cầu, gấp 2 lần con số này tại Ấn Độ và 3 lần nếu so với Bangladesh. Cùng với đó, từ ngày 01/7/2024, mức lương tối thiểu vùng của người lao động Việt Nam cũng được điều chỉnh tăng lên khoảng 6%. Điều này đặt ra áp lực cho các doanh nghiệp đang hoạt động và cả các nhà đầu tư FDI khi xem xét đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam, bởi giá lao động không còn rẻ hơn tương đối so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, theo Phó Tổng thư ký VCOSA chia sẻ, đã đến lúc ngành dệt may Việt Nam tập trung khai thác các lợi thế khác bên cạnh giá nhân công. Bà cho biết các doanh nghiệp nên tập trung vào phát triển quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm để lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam trong tương lai sẽ là chất lượng. Đây cũng là nỗ lực cần có để chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ các quy trình sản xuất với giá trị gia tăng cao và từ đó khẳng định năng lực ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Hỏi: Ngành công nghiệp đang đối phó như thế nào với nhu cầu ngày càng tăng về tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng?
VCOSA: Bà Dương Thùy Linh đã chia sẻ góc nhìn cá nhân trên 2 góc độ. Đầu tiên, từ góc độ một chuyên gia đang hoạt động trong ngành bông – xơ – sợi, bà cho biết việc đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam là khá thuận lợi. Do không có nguồn bông nội địa, Việt Nam nhập khẩu bông 100%, các doanh nghiệp thường chủ động lựa chọn các nhà cung cấp uy tín từ Mỹ, Brazil hay Úc, nơi các kiện bông đều có mã truy xuất chặt chẽ, theo dõi và xác định nguồn gốc cũng như hành trình của bông từ nơi trồng trọt đến sản xuất, phân phối cho đến sản phẩm cuối cùng. Vậy nên khi yêu cầu về tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc được nâng cao, các doanh nghiệp sợi có thể chủ động đáp ứng.
Tuy nhiên, trên góc độ thứ hai từ ngành dệt may, Bà Linh cho rằng các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn hơn do quá trình làm sản phẩm cuối đòi hỏi nhiều loại nguyên phụ liệu đầu vào khác nhau, việc lựa chọn nhà cung cấp đôi khi cũng do các nhãn hàng quyết định nên sẽ khó để doanh nghiệp dệt may chủ động trong truy xuất nguồn gốc và cung cấp các giấy tờ, minh chứng về tính minh bạch cho toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm. Bà đề xuất các doanh nghiệp dệt may có thể chủ động trong việc yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với từng loại nguyên phụ liệu đầu vào và lựa chọn các đối tác, nhà cung cấp uy tín để sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu về tính minh bạch hay truy xuất nguồn gốc.
Trong phần tiếp theo của Hội thảo, khách tham dự đã được nghe phần trình bày của 3 chuyên gia, gồm ThS. Nguyễn Ngọc Kim Oanh (Saitex), Ông Võ Thành Phước (Faslink) và Tiến sĩ Colin Luk (Vericott) về những chủ đề thiết thực trong đổi mới ngành dệt may Việt Nam.
Chi tiết tin bài về Hội thảo, xin xem tại website vcosa.vn.
Một lần nữa, VCOSA xin chúc mừng thành công của VTG 2024 và hy vọng sẽ tiếp tục có cơ hội mang tới những góc nhìn chuyên gia thông qua các hội thảo chuyên ngành cùng VTG vào các mùa tổ chức tiếp theo. Bên cạnh đó, VCOSA cam kết sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động bổ ích và ý nghĩa để hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành dệt may nói chung, và bông – xơ – sợi nói riêng.
Trân trọng,
VCOSA.