CCI - Banner A1 - 2023/24 Advertisement A1: VCOSA Timeline A1: ECV 2025

CHỦ TỊCH VCOSA PHÁT BIỂU TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ “HỢP TÁC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH DỆT MAY VÀ DA GIÀY VIỆT NAM”

Hà Nội, ngày 5 tháng 12 năm 2024Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Tổ chức IDH và các hiệp hội trong lĩnh vực dệt may, bông sợi và da giày tổ chức hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” hướng tới giải quyết những thách thức cấp bách của ngành trong việc phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” 

Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” được tổ chức dựa trên Thỏa thuận hợp tác (MoU) ký ngày 26/9/2024 giữa Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da Giày – Túi Xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), Tổ chức IDH. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP), tăng cường liên kết giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, và tổ chức quốc tế. Hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp thực tiễn như cải tiến chuỗi cung ứng xanh, xây dựng tiêu chuẩn phát triển bền vững, và mở rộng chiến lược tiếp cận các thị trường xuất khẩu bền vững.

Ông Nguyễn An Toàn – Chủ tịch VCOSA tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Nguyễn An Toàn – Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) đã chia sẻ các thông tin cập nhật tình hình thị trường bông – xơ – sợi Việt Nam. Hiện tại, ngành sợi có khoảng 12,6 triệu cọc sợi và đang có xu hướng tăng lên trong tương lai. Các DN kéo sợi hiện tại đa số đã có đơn hàng đến hết tháng 12/2024.  Thị trường xuất khẩu chính vẫn là các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc. Ông cho biết ngành sợi Việt Nam đang phát triển khá tương đồng với tiến trình chung của thị trường toàn cầu. Ngành sợi đang đứng trước những cơ hội lớn và những đại xu hướng quan trọng, trong đó nổi bật là xu hướng phát triển bền vững. 

Ông Nguyễn An Toàn phát biểu về “Cơ hội và Thách thức phát triển bền vững ngành Bông Sợi Việt Nam”

Về thực trạng sản xuất xanh, tuần hoàn và bền vững, Chủ tịch VCOSA chia sẻ các hội viên của VCOSA như KCN Rạng Đông – Aurora IP và Nextevo là những doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng các mô hình sản xuất bền vững, góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm. Trong năm qua, VCOSA cũng đã tích cực phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước như Hiệp hội Bông Quốc tế (ICA), Hiệp hội Bông Mỹ (CCI), Hiệp hội Người trồng Bông Brazil (ABRAPA), để tổ chức các hội thảo, chương trình xúc tiến thương mại và khóa tập huấn, giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng và chuẩn bị tốt hơn cho các thách thức trong tương lai.

Ông Nguyễn An Toàn tham gia điều phối tại Phiên thảo luận: Các sáng kiến giúp giải quyết các thách thức của ngành Dệt may và Da giày về mặt Môi trường

Bên cạnh những cơ hội, Ông Nguyễn An Toàn cũng liệt kê một số thách thức về nguyên liệu đầu vào, cạnh tranh từ Bangladesh, Ấn Độ, giá năng lượng, nhiên liệu… đang hạn chế tiến trình phát triển của ngành bông sợi Việt Nam. Cùng với đó, những thách thức về nguồn tài chính hạn hẹp cũng là một rào cản lớn đối với các hoạt động của VCOSA, với tư cách tổ chức phi chính phủ đại diện ngành, trong việc hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp hội viên. 

VCOSA nhận thức rõ những khó khăn này và đang tập trung tháo gỡ các nút thắt. Chủ tịch VCOSA đánh giá việc ký kết Thỏa thuận Hợp tác Phát triển Bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam là một bước tiến quan trọng để VCOSA đồng hành cùng Bộ Công Thương, IDH, các Hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan, nhằm hỗ trợ ngành bông sợi Việt Nam phát triển bền vững, khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu, vượt qua mọi thách thức, tận dụng các cơ hội để đạt được những thành tựu đáng tự hào trong tương lai.

VCOSA trân trọng cảm ơn sự phối hợp hiệu quả từ Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da Giày – Túi Xách Việt Nam (LEFASO), Tổ chức IDH để tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” . VCOSA tin tưởng rằng đây sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác công tư và có ý nghĩa đối với việc phát triển bền vững của ngành Bông Sợi, Dệt may và Da giày  trong giai đoạn 2025-2030.

VCOSA

Tag:

ICA logoA4: ECV 2025