For advertisement CCI 11/23-06/24 A1: ICA Bremen x VCOSA A1: ECV

Thách thức “gõ cửa” doanh nghiệp dệt may, da giày

Tình hình dịch bệnh phức tạp, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… là thách thức cho các DN dệt may, da giày xuất khẩu trên chặng đường về đích năm 2021.

Nguy cơ đình trệ sản xuất

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng rất mạnh (tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020), dù đợt dịch Covid-19 lần thứ tư “bủa vây” nhiều khu công nghiệp. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh căng thẳng trong những ngày gần đây tại các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang đặt ra quan ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu nửa cuối năm.

Dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước cũng đạt được kết quả khả quan trong nửa đầu năm, với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này có được nhờ sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU… cộng với yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động.

“Những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn nhất của đất nước đã bị dịch bệnh càn quét, ngành dệt may, da giày cũng nằm chung trong hoàn cảnh đó. Và lần này, đúng như dự báo, tình hình còn phức tạp hơn khi các doanh nghiệp đều đang có hợp đồng, có trách nhiệm pháp lý đi kèm với lợi ích hoặc thiệt hại về kinh tế, chứ không chỉ là vấn đề của tiền lương hỗ trợ công nhân phải ngừng việc như nửa đầu năm 2020” – Hiệp hội Dệt May Việt Nam.


Dẫu vậy, ngành dệt may vẫn chưa thể yên tâm. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex đánh giá: “Những thành quả đó hoàn toàn có thể mất đi, nếu các giải pháp sáng tạo về sản xuất – kinh doanh trong điều kiện có dịch không được triển khai quyết liệt, đồng thời, còn có thể có hệ lụy nghiêm trọng với chuỗi cung ứng và đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp”.

Thách thức “gõ cửa” doanh nghiệp dệt may, da giày

Ngay lúc này, thách thức đã “gõ cửa” rất nhiều doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn lên tới 600 – 700 triệu USD/năm như Phong Phú, Việt Tiến, hay có quy mô xuất khẩu nhỏ hơn như Việt Thắng, Nhà Bè, Hữu Nghị…

“Các doanh nghiệp này đều nằm trong vùng có dịch bệnh với nguy cơ cao phải làm việc giãn cách, huy động tỷ lệ lao động thấp. Hiện đã xuất hiện các ca bệnh trong doanh nghiệp của Vinatex hoặc trong cụm/khu công nghiệp có doanh nghiệp của Vinatex đóng quân như tại Đáp Cầu, Hữu Nghị…”, ông Trường lo ngại.

Không riêng dệt may, ngành da giày – túi xách cũng đang đối mặt với sự đình trệ hoạt động. Đã có những doanh nghiệp lớn, quy mô hàng chục vạn lao động trong ngành phải thu hẹp sản xuất vì Covid-19.

Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp FDI lớn nhất trong ngành da giày với doanh thu trên 1 tỷ USD/năm tại quận Bình Tân (TP.HCM) với 56.000 lao động và là nhà máy đông nhất TP.HCM đã phải cho hơn 33.000 công nhân tạm nghỉ việc tính đến ngày 12/7 và phải tạm dừng sản xuất toàn bộ nhà máy từ ngày 14/7. Doanh nghiệp chỉ được sản xuất trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng chống dịch theo quyết định của Bộ Y tế.

Thiệt hại về gián đoạn hoạt động do phải tạm dừng sản xuất để phòng chống dịch là vô cùng lớn. Nếu không thoả thuận được với khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải bồi thường do chậm trễ thực hiện hợp đồng.

Tương tự, Công ty Taekwang Vina Industrial (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) với gần 4 vạn lao động, doanh thu xuất khẩu hàng năm lên tới cả tỷ USD, cũng bị ảnh hưởng nặng nề về sản xuất do có công nhân nhiễm Covid-19.

Tại Việt Nam, trong số 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu của ngành da giày – túi xách trong năm cao điểm 2019 và 20 tỷ USD trong năm 2020, khối doanh nghiệp FDI đóng góp trên 75%. Với vị trí quan trọng như vậy, chỉ cần một trong những doanh nghiệp lớn bị gián đoạn sản xuất do dịch, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến chỉ số sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu của ngành

Đơn hàng có thể dịch chuyển

Đơn hàng đang về nhiều, nhưng các doanh nghiệp thuộc ngành hàng xuất khẩu lớn đều có chung nhận định, diễn biến sản xuất – kinh doanh và xuất khẩu từ nay đến cuối năm còn nhiều bất định, cần chủ động dự báo, liên tục điều chỉnh theo yêu cầu của thị trường và tình hình, điều kiện kinh doanh mới.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ: “Lo ngại nhất ở thời điểm hiện tại là làm sao để đảm bảo an toàn cho sản xuất trong nước, bởi nếu để dịch bùng lên trong các khu công nghiệp, nguy cơ đơn hàng dịch chuyển ra khỏi Việt Nam là rất lớn”.

Ngay sát Việt Nam, “công xưởng” Trung Quốc cơ bản đã khống chế được Covid-19, lại có đủ năng lực sản xuất để “gánh” được cả phần của các quốc gia khác. Trong trường hợp chuỗi cung ứng tại Việt Nam gặp bất lợi, các nhãn hàng lớn đặt nhà máy tại nhiều quốc gia sẽ nhanh chóng dịch chuyển đơn hàng.

“Nếu bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thì sẽ rất khó khôi phục, bởi muốn thiết lập được chuỗi cung ứng, cần rất nhiều khâu, từ hậu cần, nguyên phụ liệu, đến hệ thống tài chính và phải mất nhiều thời gian, chưa kể doanh nghiệp bị phá sản không thể nhanh chóng mở lại nhà máy. Do vậy, giữ an toàn cho sản xuất là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu cho ngành, không chỉ trong năm nay, mà còn cho nhiều năm tới”, bà Xuân nói.

Giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp lựa chọn lúc này là xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và sinh hoạt tại chỗ, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để có thể thực hiện ngay khi tình huống xảy ra; tối đa hóa khả năng cung ứng trong điều kiện thị trường thuận lời nhờ đơn hàng dịch chuyển ngắn hạn về Việt Nam do dịch bệnh ở các nước khác. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng lựa chọn quay lại mô hình gia công đơn thuần (CM) để giảm rủi ro tài chính cũng như thời gian giao hàng nguyên liệu vì dịch bệnh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đang ở ngoài vùng dịch phát động thi đua làm việc với năng suất cao nhất, bù đắp một phần thiếu hụt do các doanh nghiệp trong vùng dịch phải hạn chế sản xuất, từ đó giảm thiểu rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

Theo Hải Yến/Báo Đầu Tư

Tag:

ICA logoCCI - Banner A4 - 2023/24
A4: ICA Bremen x VCOSAA4: ECV